Tin tức

8 nguyên nhân phổ biến gây đau tinh hoàn

23 Th10, 2024
Tác giả: VSSM

Có nhiều lý do khiến nam giới cảm thấy đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Nhiều nam giới bị đau tinh hoàn rất ngại đi khám. Dưới đây là 8 nguyên nhân có thể gây đau tinh hoàn mà nam giới nên biết để gặp bác sĩ nam khoa càng sớm càng tốt.

Tinh hoàn là một bộ phận rất nhạy cảm trên cơ thể nam giới. Vì vậy, cho dù đó là cơn đau nhức thường xuyên hay đau liên tục, đau tinh hoàn đều không nên chủ quan. Hầu hết không có lý do gì đáng lo ngại nhưng nam giới nên biết những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau tinh hoàn và thời điểm nên đi khám.

1. Cảm giác đau tinh hoàn như thế nào?

Đau tinh hoàn do nhiều nguyên nhân, có thể đau tinh hoàn trái, đau tinh hoàn phải hoặc đau cả hai tinh hoàn.

Đau tinh hoàn do nhiều nguyên nhân, có thể đau tinh hoàn trái, đau tinh hoàn phải hoặc đau cả hai tinh hoàn.

Đau tinh hoàn có thể có cảm giác khác nhau ở mỗi người, thường tùy thuộc vào nguyên nhân. Cơn đau có thể ngắn và rõ hoặc đau âm ỉ. Nam giới có thể cảm thấy đau ở tinh hoàn bên trái, bên phải hoặc cả hai và cơn đau có thể lan xuống vùng bụng dưới và khu vực xung quanh tinh hoàn.

2. Đau tinh hoàn mạn tính là gì?

Đau tinh hoàn mạn tính là tình trạng đau tinh hoàn kéo dài hơn 3 tháng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nam giới, chẳng hạn như khiến việc hoạt động thể chất trở nên quá khó khăn. Cơn đau có thể ngắt quãng hoặc liên tục.

Đau tinh hoàn mạn tính có thể bắt đầu từ một điều gì đó nhỏ như va đập vào tinh hoàn hoặc nhiễm trùng nhưng nếu cơn đau kéo dài thì điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ.

3. Những nguyên nhân phổ biến gây đau tinh hoàn và cách xử tríHình ảnh viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn.

Hình ảnh viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn.

3.1 Chấn thương tinh hoàn

Ở nam giới khi có một lực tác dụng mạnh vào phần giữa xương đùi và khớp mu lúc đó tinh hoàn sẽ bị tình trạng chấn thương. Hầu như tất cả nam giới đều biết tinh hoàn có thể đau đến mức nào khi bị đánh. Rất nhiều cơn đau tinh hoàn chỉ đơn giản là do chấn thương tinh hoàn có thể do tai nạn hoặc chơi thể thao. Cơn đau thường đi kèm với vết bầm tím hoặc sưng tấy.

Việc chấn thương này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng sinh sản sau này của nam giới do đó cần được can thiệp kịp thời khi bị tổn thương. Với nhiều thống kê cho thấy việc vỡ tinh hoàn gây ra tình trạng đau đớn đến mức ảnh hưởng đến tính mạng.

Nếu bị va chạm vào tinh hoàn không nguy hiểm, thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau và tắm nước ấm có thể giúp giảm sưng tấy. Nếu cơn đau nghiêm trọng cần đến bệnh viện để được khám tinh hoàn.

3.2 Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn là nơi ống ở phía sau tinh hoàn bị sưng và đau. Nam giới ở mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm mào tinh hoàn. Nó thường do bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia gây ra và cả do nhiễm trùng không lây truyền qua quan hệ tình dục. Khi cơ thể hoạt động để chống lại nhiễm trùng, có thể cảm thấy đau ở khu vực xung quanh tinh hoàn.

Ngoài cảm giác đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn, nam giới dễ gặp các triệu chứng:

– Cảm giác nóng rát, sưng tấy, tấy đỏ hoặc đau ở bìu.

– Một khối u hoặc sưng tấy ở tinh hoàn – nguyên nhân là do chất lỏng xung quanh tinh hoàn.

– Khó khăn hoặc đau khi đi tiểu.

– Chất dịch màu trắng, vàng hoặc hơi xanh chảy ra từ đầu dương vật.

Nếu viêm mào tinh hoàn do vi khuẩn, nam giới cần dùng kháng sinh để điều trị. Nếu nguyên nhân của nhiễm trùng do vi khuẩn là nhiễm trùng qua đường tình dục, vợ/đối tác cũng cần được điều trị. Dùng toàn bộ đợt kháng sinh do bác sĩ kê đơn, ngay cả khi các triệu chứng hết sớm hơn, để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã biến mất.

Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi bắt đầu dùng kháng sinh. Nghỉ ngơi, nâng đỡ bìu bằng dây đeo thể thao, chườm đá và dùng thuốc giảm đau có thể giúp giảm khó chịu.

Nếu áp xe đã hình thành, nam giới có thể cần phẫu thuật. Đôi khi, toàn bộ hoặc một phần của mào tinh hoàn cần được phẫu thuật cắt bỏ (cắt bỏ mào tinh hoàn). Phẫu thuật cũng có thể được xem xét nếu viêm mào tinh hoàn là do những bất thường cơ bản về thể chất.

3.3 Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn là bệnh lý tiết niệu gây ra sưng và đau ở tinh hoàn. Phổ biến là viêm tinh hoàn một bên. Bệnh viêm tinh hoàn có thể là do nhiễm trùng hoặc do các bệnh quai bị và viêm mào tinh hoàn phát triển thành.

Người bệnh sẽ bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống do các triệu chứng mà bệnh đem lại. Nguy hiểm hơn, viêm tinh hoàn kéo dài sẽ làm giảm khả năng sinh sản ở người bệnh. Nó thường là một biến chứng của viêm mào tinh hoàn chưa được điều trị.

Viêm tinh hoàn gây đau tinh hoàn nghiêm trọng và có thể làm suy nhược, vì vậy hãy đi khám nếu gặp các triệu chứng. Trong viêm tinh hoàn, cơn đau có thể kèm theo:

– Sưng và đau ở một hoặc cả hai tinh hoàn.

– Sốt.

– Buồn nôn hoặc nôn.

– Mệt mỏi.

3.4 U nang mào tinh hoàn

U nang mào tinh hoàn thường lành tính nhưng nên đi khám do dễ nhầm lẫn với ung thư tinh hoàn.

U nang mào tinh hoàn thường lành tính nhưng nên đi khám do dễ nhầm lẫn với ung thư tinh hoàn.

U nang mào tinh hoàn là tình trạng xuất hiện nang đầu mào tinh hoàn phải hoặc trái, thường là nang nước lành tính có thể do ứ đọng, tắc nghẽn một hay vài ống dẫn tinh ở mào tinh hoặc do viêm nhiễm, chấn thương tinh hoàn gây tiết dịch và hình thành nang. Khi các nang đủ lớn có thể gây đau tức ở bìu, vướng ở cơ quan sinh dục và cần can thiệp phẫu thuật để điều trị triệt để.

Khối u có thể bị nhầm lẫn với ung thư tinh hoàn, vì vậy nên đi khám để xác định nguyên nhân.

3.5 Thoát vị

Thoát vị xảy ra khi một bộ phận bên trong cơ thể nam giới như một cơ quan hoặc mô mỡ, đẩy qua một điểm yếu trên cơ hoặc thành mô xung quanh. Điều này gây ra một khối u hoặc sưng tấy ở háng hoặc bụng dưới, dẫn đến đau và sưng tinh hoàn.

Nam giới có thể kiểm tra xem mình có bị thoát vị hay không khi tìm kiếm các khối u quanh bụng và háng. Khối u có thể biến mất khi đẩy nó vào trong hoặc nếu nằm xuống, nó chỉ bật ra trở lại nếu căng thẳng.

Thoát vị thường không nghiêm trọng nhưng chúng có thể gây ra các biến chứng nên tốt nhất hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra.

3.6 Sỏi thận

Sỏi thận là những khối u cứng hình thành trong thận từ các chất thải trong máu. Chúng có thể di chuyển xuống các ống nối thận với bàng quang, gây đau tinh hoàn.

Nếu cơn đau tinh hoàn là do sỏi thận, nam giới cũng có thể bị:

– Đau háng hoặc một bên bụng.

– Buồn nôn hoặc nôn.

– Đổ mồ hôi và nhiệt độ cao.

– Máu trong nước tiểu.

– Nhiễm trùng nước tiểu – điều này có thể gây ra cảm giác nóng rát khi đi tiểu và khiến cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn.

Sỏi thận nhỏ thường sẽ tự khỏi nhưng có thể gây đau đớn. Bác sĩ có thể tư vấn cách hỗ trợ quá trình này hoặc đề xuất các phương pháp điều trị khác nếu chúng lớn.

3.7 Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là khi các tĩnh mạch nằm trong thừng tinh bị giãn nở, trở nên lớn hơn và có thể nhận thấy bằng mắt thường. Giãn mạch thừng tinh có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, tuy nhiên giãn tĩnh mạch thừng tinh bên trái thường gặp hơn.

Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thừng tinh là do các van của các tĩnh mạch nhỏ trong bìu hoạt động không tốt. Đây là các van một chiều, mở ra cho máu chảy về tim và đóng lại khi dòng máu chảy chậm để ngăn không cho máu chảy ngược về. Khi có sự suy yếu hệ thống các van tĩnh mạch, thì máu có thể chảy ngược về do tác động của trọng lực gây ứ đọng và giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể gặp khi xuất hiện một sự tắc nghẽn tĩnh mạch lớn ở vùng bụng, như một khối u của thận phát triển gây tăng áp lực lên các tĩnh mạch nhỏ hơn trong bìu gây giãn tĩnh mạch, tuy nhiên trường hợp này hiếm gặp và thường chỉ gặp ở nam giới hơn 40 tuổi.

Đôi khi giãn tĩnh mạch thừng tinh không có triệu chứng nhưng trong một số trường hợp, nó gây ra cơn đau tinh hoàn trầm trọng hơn trong ngày hoặc khi hoạt động thể chất, đồng thời tinh hoàn có thể cảm thấy nặng và nổi cục.

Trong các trường hợp bệnh được chỉ định điều trị, tùy theo mức độ của bệnh, các trường hợp nhẹ có thể điều trị nội khoa, các trường hợp nặng hơn thường được chỉ định phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh như: phẫu thuật thông thường, phẫu thuật qua nội soi ổ bụng, phẫu thuật vi phẫu, làm tắc các mạch bằng bóng hay vòng xoắn… trong đó phẫu thuật vi phẫu (hình thức mổ bằng kính hiển vi) được áp dụng phổ biến, do an toàn, hiệu quả cao, ít biến chứng.

3.8 Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, thường gặp ở trẻ em và có những triệu chứng gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Phát hiện và điều trị xoắn tinh hoàn kịp thời giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn, teo tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi dây tinh trùng bị xoắn làm hạn chế lưu lượng máu đến tinh hoàn. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần cấp cứu, vì vậy hãy đi khám nếu gặp phải:

– Đau tinh hoàn đột ngột và dữ dội ở một bên tinh hoàn.

– Đau có lan lên bụng.

– Bìu chuyển sang màu sẫm hơn.

– Sưng tấy.

– Nôn mửa.

– Tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường.

Xoắn tinh hoàn thường có thể được giải quyết bằng phẫu thuật nếu được điều trị trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn. Điều đáng lưu ý là do phát hiện muộn, có nhiều trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng sản và nội tiết tố nam.

Nguồn : https://www.24h.com.vn/

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tin tức liên quan

Nhận thông báo mới nhất về thông tin y học của VSSM

Nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký nhận bản tin mới nhất của chúng tôi